Phun, xăm môi thực chất là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Hiện nay có 2 phương thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy, trong đó phun, xăm môi bằng máy khá phổ biến và mang lại hiệu quả cao hơn vì dễ thao tác, điều chỉnh lớp xăm nông sâu tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Theo bác sĩ Cao Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mĩ Bệnh viện An Sinh, dù phun xăm môi là phương pháp làm đẹp đơn giản, dễ thực hiện, nhưng cũng cần cân nhắc kỹ các ưu và khuyết điểm của thủ thuật làm đẹp này trước khi quyết định thử qua.
1. Xăm, phun: Giải pháp thẩm mĩ hiệu quả cho nàng môi thâm
Với những bạn gái có sắc môi nhợt nhạt, màu môi không tươi hoặc bị thâm do cơ địa bẩm sinh, xăm, phun môi được xem là giải pháp hiệu quả giúp khắc phục nhanh chóng khiếm khuyết ngoại hình này.
Ngoài ra, phun xăm môi còn giúp chị em lười trang điểm không bị “kém sắc” khi để mặt mộc, vì màu môi ảnh hưởng nhiều đến sắc diện toàn khuôn mặt. Phương pháp thẩm mĩ này còn có một lợi thế so với son môi, đó là không bị phai màu sau khi ăn uống, vận động, sinh hoạt, vì vậy giúp bạn luôn sở hữu làn môi tươi tắn, rạng rỡ. 2. Các rủi ro về sức khỏe khi phun, xăm môi
Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm môi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mĩ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể liệt kê một số mối nguy mà chị em có thể gặp phải khi thực hiện thủ thuật làm đẹp đơn giản này: – Nhiễm trùng tại chỗ xăm. Sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu, nổi mụn, môi bị tụ mủ là những hậu họa khó lường sau khi xăm môi, bên cạnh biểu hiện hay gặp như sưng nề trong vài ngày đầu tùy cơ địa của từng người. Thông thường, nếu sưng khoảng 2 – 3 ngày bạn không cần phải lo lắng quá vì chỗ sưng sẽ tự lành, nhưng nếu môi vẫn sưng sau 5 – 6 ngày tiếp đó thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.